Vì sao Novaland kêu cứu?

Bỏ vào dự án 6.000 tỉ đồng nhưng hơn 2 năm không triển khai được, Tập đoàn Novaland vừa có thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ Xây dựng để tiếp tục dự án này. 

Rà soát kéo dài, doanh nghiệp khổ 

Cụ thể, việc triển khai phát triển Dự án Khu Dân cư Bình Khánh (diện tích 30,224 ha tại P.Bình Khánh, Q.2, TP.HCM) do Công Ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 – là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland – làm chủ đầu tư. Dự án Khu Dân cư Bình Khánh đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu và đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Nằm trong thỏa thuận mua lại các căn hộ tái định cư thuộc dự án giữa chủ đầu tư và đại diện thành phố là Ban quản lý Khu quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (“Ban quản lý Thủ Thiêm”) nhưng do ngân sách thành phố khó khăn nên được thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1, không đầu tư xây dựng giai đoạn 2 và dùng quỹ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1. Do đó UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/QĐ-UBND chấp thuận cho chủ đầu tư dự án Bình Khánh tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 là căn hộ thương mại do không còn nhu cầu sử dụng cho tái định cư. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát chung của Thủ Thiêm, dự án này cũng như các dự án bất động sản khác bị rà soát kéo dài dẫn đến việc chậm triển khai và phát sinh chi phí vốn cho đầu tư, xây dựng…

Tập đoàn Novaland cùng các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào dự án này khoảng gần 6.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể tiếp tục triển khai dự án. Việc đình trệ này đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của tập đoàn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của TP.HCM. Mới đây, Novaland đã gửi đơn thư giải trình, kêu cứu đến Chính phủ và bộ ban ngành liên quan để xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục triển khai dự án trong thời gian sớm nhất nhằm giúp ổn định môi trường kinh doanh và tạo sự tin tưởng hơn nữa cho môi trường đầu tư…

Bất động sản gặp khó, nhiều ngành cũng “ngắc ngoải” 

Thực tế, chẳng riêng gì Novaland, từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án bất động sản của nhiều chủ đầu tư đã gặp phải khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của thị trường bất động sản nói riêng và môi trường đầu tư nói chung. Từ năm 2019 tới đầu năm nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã không ít lần có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đề nghị tháo gỡ thủ tục hành chính cũng như đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản năm 2020 theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định nhìn chung năm vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản. Theo thống kê của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Tương tự, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận hay các đơn vị sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng đều gặp khó khăn. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập và các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ. “Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết và kéo dài làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhất là chi phí tài chính

Cả năm, TPHCM chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo Báo cáo của HoRea, năm 2019 cả nước đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và cũng là năm thứ hai liên tiếp thực hiện đạt và vượt tất cả 12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội. Nhưng riêng thị trường bất động sản bị sụt giảm về quy mô, về nguồn cung dự án nhà ở cũng như nguồn cung sản phẩm nhà ở, trong đó có nhiều dự án bị “đứng hình”.

Đồng thời, 2019 cũng là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong ngành phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án hay sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao như căn hộ chung cư tăng khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ khó tạo lập nhà ở hơn.

Riêng tại TP.HCM cả năm vừa qua chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND thành phố “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án tương đương giảm 92% so với năm trước đó. Bên cạnh đó, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án tương đương giảm 85%; có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư giảm 64 dự án, tương ứng giảm 80% và số căn hộ chung cư đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 14,1%.

“Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản thành phố hiện nay rơi vào tình thế khó khăn chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật…” – báo cáo nhấn mạnh. 

Theo các chuyên gia, nếu không nhanh chóng giải quyết những khó khăn về thủ tục, cơ chế, chính sách liên quan đến bất động sản, không chỉ Novaland, sẽ còn nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do không triển khai được dự án trong thời gian tới. 

(Thanh Niên)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*