Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2020, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, BIDV và VietinBank tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết vấn đề tăng vốn. Điều này nhằm đảm bảo hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng, trong bối cảnh Thông tư 41/2016 đã có hiệu lực từ đầu năm. Các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 8% với cách tính của hiệp ước Basel II.
Có 18 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016 gồm 16 ngân hàng nội và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 2 trong 4 ngân hàng thương mại quốc doanh là BIDV và Vietcombank thuộc danh sách trên, trong khi Agribank và VietinBank chưa thể thực hiện.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng đề cập các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước trên 50% (BIDV, VietinBank, Vietcombank – PV) và Agribank đang có hệ số CAR sát ngưỡng tối thiểu của Thông tư 41. Trong trường hợp không thể tăng vốn để duy trì tỷ lệ an toàn vốn, các nhà băng này phải hạn chế hoặc ngừng cấp tín dụng.
VietinBank, ngân hàng có CAR dưới 8% nếu tính trên Thông tư 41, theo chia sẻ của Chủ tịch Lê Đức Thọ hồi tháng 4/2019, chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 6-7% trong năm qua và thực tế dư nợ cho vay chỉ tăng 4% trong 9 tháng 2019 và cả năm 2019 tăng 7,2%.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, từng chia sẻ nếu chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn dùng lợi nhuận 2017, 2018 để chia cổ tức bằng cổ phiếu và ngân hàng triển khai hoàn tất, CAR theo chuẩn Basel II sẽ đạt khoảng 8,24%.
Vietcombank và BIDV, 2 ngân hàng đã áp dụng Thông tư 41, có tăng trưởng tín dụng lần lượt 12,4% và 16% năm 2019. Kết quả này một phần nhờ nỗ lực tăng vốn thành công của ngân hàng, thông qua chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vietcombank bán 10% vốn cho nhóm Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Mizuho Bank, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương gần 270 triệu USD). Trong khi đó, BIDV phát hành 15% vốn cho KEB Hana Bank thu về hơn 20.200 tỷ đồng và được chấp thuận áp dụng Thông tư 41 ngay sau đó.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thì để duy trì CAR theo Thông tư 41, ngân hàng phải liên tục nâng cao năng lực vốn. Yêu cầu về vốn sẽ liên tục mở rộng theo hoạt động cho vay nền kinh tế. Agribank ghi nhận tín dụng tăng 12% trong năm 2019, vẫn là ngân hàng 100% vốn Nhà nước do đó việc tăng vốn hoàn toàn phụ thuộc vào Chính phủ và ngân sách.
Sửa luật để “mở cửa” tăng vốn
VietinBank là một trong những điển hình trong việc khó tăng vốn vì 2 yếu tố chính. Thứ nhất, ngân hàng không còn dư địa để gọi vốn từ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược (ngoài NHNN). Sở hữu của NHNN tại VietinBank hiện là 64,46%, thấp hơn mức tối thiểu 65% theo chủ trương của Chính phủ.
Vấn đề trên khiến phương án chào bán thêm vốn cho nhà đầu tư chiến lược của VietinBank nói riêng và các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước khác bế tắc. Theo lộ trình đến 2021, sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng mới có thể giảm xuống 51%.
Thứ hai, việc tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối “vướng” luật, bên cạnh vấn đề ngân sách.
Theo Nghị định 95/2015 và Nghị định 32/2018 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại nhà nước giữ cổ phần chi phối không thuộc ngành, lĩnh vực được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Việc NHNN nhận thêm cổ phiếu VietinBank hoặc mua cổ phần phát hành thêm là không được phép.
Hiện nay, giải pháp trước mắt là sửa đổi luật để “mở cửa” cho các ngân hàng. Bộ Tài chính đang soạn dự thảo sửa đổi Nghị đinh 91/2015, trong đó bổ sung “ngân hàng thương mại nhà nước giữ cổ phần chi phối” vào các ngành, lĩnh vực doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần vốn góp. Việc triển khai bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước giữ cổ phần chi phối thực hiện theo đúng thẩm quyền quy định. Việc này sẽ mở cơ hội để các nhà băng quốc doanh được phép chia thưởng cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết sau khi sửa Nghị định, Chính phủ sẽ sớm giải quyết vấn đề tăng vốn cho ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank. Riêng với Agribank, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã quyết trong năm nay sẽ trình Quốc hội để bố trí ngân sách tăng vốn.
Tại buổi làm việc với Kho bạc Nhà nước và MB mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quý I, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Vietcombank và VietinBank. Cuối năm 2019, vốn điều lệ của Vietcombank là 37.089 tỷ đồng còn VietinBank là 37.234 tỷ đồng.
Còn với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị MB nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng tư nhân vẫn đang tiếp tục cuộc đua tăng vốn. Gần nhất, OCB dự kiến chào bán 10% vốn cho Ngân hàng Aozora (Nhật Bản). ACB, SHB tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
(Lê Hải)
Để lại một phản hồi