Hôm nay (13/3), chính thức miễn, giảm lãi vay ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ hôm nay (13/3) cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi hoặc giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng là người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội, đơn cử hiệp hội các ngành: vận tải, da giày, sắn, cà phê, dệt may, giáo dục ngoài công lập, hiệp hội doanh nghiệp trẻ…

Tính đến thời điểm này, ước tính số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không thể trả đúng hạn là 926.000 tỷ đồng (chiếm 11% tổng dư nợ nền kinh tế). Số này sẽ được điều chỉnh bởi Thông tư.

Vì vậy, thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ hôm nay (13/3) là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng thương mại triển khai các chính sách tín dụng, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Hôm nay (13/3), doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chính thức được miễn, giảm lãi vay ngân hàng. Ảnh minh họa.

Theo đó, thời gian áp dụng thông tư này là từ 23/1/2020, cộng thêm 3 tháng nữa sau khi Việt Nam công bố hết dịch.

Các chính sách quan trọng của Thông tư là miễn lãi, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư có ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 là doanh nghiệp tiếp tục có vốn, bằng vốn vay ngân hàng và kết hợp với nguồn vốn của mình để khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để thực thi thông tư thì hiện quy mô của chương trình hỗ trợ này đã lên đến 285.000 tỷ đồng và số tiền này không phải là tiền từ ngân sách nhà nước, mà đây là vốn tiền của các ngân hàng thương mại huy động, thu xếp được để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét, cơ cấu lại hơn 21.700 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn. Miễn giảm lãi vay cho hơn 8.000 khách hàng và đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với tổng dư nợ là trên 85.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho biết, thông tư là hành lang pháp lý quan trọng để một mặt, ngân hàng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ để không phát sinh đột biến về nợ xấu. Thứ hai là có điều kiện cho doanh nghiệp vay mới đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

0

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*